iPhone Jet Black sẽ được làm bằng gốm đá Zircon ít xước

iPhone Jet Black thế hệ sau sẽ được làm bằng gốm tinh chế từ đá Zircon để không còn dễ bị xước.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều tin đồn cho rằng iPhone 8 sẽ có thiết kế mặt kính bao phủ gần như toàn bộ, cụ thể là cả mặt trước và sau máy đều được làm từ kính, và khung máy chính là thép không gỉ cao cấp. Cấu tạo khung kim loại nhôm ngày trước nhiều khả năng sẽ được thay thế như vậy để có thể hỗ trợ tối ưu cho công nghệ sạc không dây được hứa hẹn là một tính năng bùng nổ trên iPhone 8.
 

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng không loại trừ xác suất Apple mang chất liệu gốm lên thiết bị của mình, được đánh giá với độ bền còn cao hơn cả kính hay nhôm. Ít nhất thì một sản phẩm Jet Black như hiện tại mà được làm bằng gốm thì chắc chắn sẽ ít khiến người dùng khó chịu vì các vết xước hơn là chất liệu hiện nay của iPhone 7 Jet Black.

Một thông tin tiết lộ về việc Apple sẽ quyết định tiến tới sử dụng gốm tinh chế từ đá Zircon để trang bị cho thiết kế của iPhone thế hệ mới - chất liệu vốn đã được áp dụng lên Apple Watch trước đó. Và giờ đây đã xuất hiện một bằng đăng ký sáng chế ủng hộ giả thuyết này dù cho có nhiều người không đồng tình với nó:

Được phát hiện bởi Patently Apple, sáng chế trên có tên gọi Laser Polishing Ceramic Material (tạm dịch: chất liệu gốm đánh bóng bởi laser). Bằng đăng ký này được chuyển sang chế độ công khai vào thứ Năm vừa qua, nhưng thực ra đã được trình lên từ 29/7 năm 2015, chứng tỏ Apple đã nhắm đến thiết kế này từ khá lâu rồi. Đá sapphire cũng là một lựa chọn được nhắc đến bên cạnh Zircon, và hầu hết thông tin đi kèm nói về công đoạn làm bóng mặt đá bằng laser trước khi tích hợp cho khung iPhone.

Thực tế thì trước đây Apple đã từng bày tỏ ý định sử dụng đã sapphire cho kính màn hình trên iPhone 6, nhưng kế hoạch chưa được triển khai ngay lập tức vì để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng và số lượng cần thiết thì không đủ thời gian và nguồn lực.

"Khoáng chất corundum là một dạng kết tinh pha lê của oxit nhôm và có thể xuất hiện ở nhiều màu khác nhau, thường được coi là đá sapphire," Apple giải thích cho lý do tại sao sapphire là lựa chọn sáng suốt cho thiết bị của mình. "Nhìn chung, sapphire có độ cứng và bền rất cao, đạt chuẩn 9.0 trên thang đo độ cứng Mohs, có khả năng tác động làm xước trên hầu hết tất cả các dạng khoáng chất khác. Nhờ những ưu điểm đó mà sapphire thực sự là chất liệu hoàn hảo để thay thế cho tiêu chuẩn nhựa polycarbonate thông dụng hiện nay."

"Dù vậy, cũng chính vì những ưu thế đó mà công cuộc sản xuất và chế tạo bộ phận lắp ráp từ sapphire sẽ khó khăn hơn nhiều, nhất là đối với quá trình yêu cầu sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Cụ thể, độ cứng bền của sapphire khiến cho công đoạn làm bóng bề mặt mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn nếu như độ gia công và tinh xảo của bộ phận càng chi tiết."

Bằng sáng chế của Apple cũng nhắc đến việc các bộ phận được đánh bóng bởi công nghệ laser, kể cả khi không phải cấu tạo trên mặt phẳng. Một điểm đáng chú ý là sáng chế trên lại được minh họa trên thiết kế của một chiếc iPhone, và tiết lộ rằng không chỉ mặt kính trước mà còn cả phía sau máy cũng sẽ được chế tạo từ sapphire, thậm chí cả các tiểu tiết như mặt phím Home và kính camera nữa.

Có vẻ như nếu hình mẫu trên trở thành sự thật, người dùng sẽ không chỉ hưởng lợi từ một thiết bị có khả năng sạc không dây tiện lợi mà còn sở hữu độ bền đáng kinh ngạc, không lo va đập và xước xát. Từ đó, mối lo về việc chuẩn bị mặt lưng bảo vệ sẽ không cần thiết, và vẻ ngoài bóng bẩy, sang trọng của màu Jet Black cũng sẽ giữ được vẻ nguyên trạng về lâu về dài (trái với tình trạng hiện nay).

Tất nhiên, điều cuối cùng cần nói tới là đây không hoàn toàn là quyết định chính thức của công ty trong tương lai, nhất là khi chưa có nhà sản xuất nào dám đứng ra nhận cung ứng nguyên vật liệu chế tác cho lượng kính sapphire mà Apple cần, chứ chưa nói đến việc có đủ để đánh bóng bằng công nghệ laser về sau hay không.

Theo genk